Snack's 1967
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Nhảy Nhảy Nhảy 


Nhảy Nhảy Nhảy 

Haruki Murakami 

Ebook được hoàn thành bởi các thành viên TVE, dựa trên mục đích hoàn toàn phi thương mại, với ý muốn chia sẻ sách cho những bạn không có điều kiện đọc các ấn phẩm thông thường. Mong rằng qua ebook này các bạn sẽ có được những phút giây thư giãn và thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của mình. Đó cũng là ước mong của tất cả chúng tôi. Tuy nhiên, những trường hợp nằm trong khả năng có thể, chúng tôi vẫn hy vọng các bạn mua bản in chính gốc. 

Bản quyền tác phẩm thuộc về nhà xuất bản. Bản ebook thuộc về nhóm dự án. Mọi hành động sao lưu dưới mọi hình thức sang bất cứ đâu xin giữ nguyên tên những người thực hiện, như một sự tôn trọng. 

 

 

Giới thiệu tác phẩm: 

 

Một ám ảnh khôn nguôi về một chốn vừa xác định vừa bí ẩn - Khách sạn Cá Heo, cùng tiếng khóc âm u não nuột của một người đàn bà trong bóng tối của giấc mơ: chừng đó là đủ để lôi chàng trai xưng tôi - nhân vật chính của chúng ta - vào một cuộc phiêu lưu mới, nơi anh sẽ vừa chứng kiến vừa bị dính mắc vào một mê cung của những cái chết bất ngờ và những vận hành của một thứ mưu đồ có sẵn mà nhiều lúc hình như quá mạnh, không thể hiểu so với anh. Và trong cõi mê cung ấy anh gặp lại Người Cừu, gặp những con người anh chưa bao giờ nghĩ là sẽ gặp, và rồi sẽ cố hết sức tìm lại người đàn bà từng có lúc anh yêu, sẽ làm tất cả những gì trong sức mình để cứu nàng, để níu giữ nàng… 

 

Giới thiệu tác giả: 

 

 

Haruki Murakami sinh ngày 12/1/1949 tại Tokyo nhưng phần lớn thời gian tuổi trẻ lại trải qua ở Kobe. Cha ông là con trai của một Phật sĩ, mẹ là con gái của một thương gia, cả hai người đều là giáo viên dạy văn học Nhật Bản. Murakami từng học về kịch tại đại học Waseda, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp, ông mở một quán nhạc Jazz có tên là Peter Cat và bắt đầu viết tiểu thuyết. Murakami thực sự trở thành một thần tượng của giới trẻ Nhật Bản khi cuốn Rừng Na Uy xuất hiện. Sau đó, ông cùng vợ rời khỏi nước Nhật trong 7 năm, đi du lịch và giảng dạy ở một số trường đại học của Châu Âu và Mỹ, Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót đã ra đời trong thời gian này. 

Murakami học về nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo, ở đó ông đã gặp được Yoko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên Peter Cat tại Kokubunji, Tokyo ông quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và tựa đề cũng nói đến một bản nhạc nào đó, gồm có Nhảy Nhảy Nhảy (của ban nhạc The Steve Miller), Rừng Na Uy (theo bài hát của Beatles) và Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời (câu đầu là tựa đề bài hát của Nat King Cole). 

 

Những lời khen tặng dành cho Nhảy Nhảy Nhảy: 

 

“Nếu Raymond Chandler sống đủ lâu để có thể xem Blade Runner, ắt hẳn ông sẽ viết một cuốn nào đấy tương tự như Nhảy Nhảy Nhảy.” 

- Observer 

“Làm thế nào Murakami có thể duy trì được chất thơ trong khi viết về đời sống hiện đại và cảm xúc hiện đại? Tôi hầu như rủn gối vì ngưỡng mộ.” 

- Independent on Sunday 

“Murakami là tác gia độc nhất vô nhị, tuy nhiên ở nhiều phương diện ông cũng là người kế tục Kafka bởi hình như ông có cái trí tuệ hầu thấu hiểu thực chất của Kafka: một tác gia đầy hài hước.” 

- Sunday Herald

“Cần phải xếp Murakami vào hàng các tiểu thuyết gia lớn nhất còn sống hiện nay trên thế giới.” 

- Guardian 

 

 

 

1 

 

 

Tôi thường mơ thấy khách sạn Cá Heo. 

Trong những giấc mơ ấy, tôi ở đó, bị cuốn vào một tình huống nào đó đang tiếp diễn. Mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng tôi thuộc về chuỗi ảo mộng này. 

Khách sạn Cá Heo méo mó, quá chật hẹp. Nó giống một cây cầu dài có mái che hơn. Một cây cầu trải dài vô tận xuyên thời gian. Và rồi đang ở đó, giữa cái chốn ấy. Một ai khác nữa cũng có ở đó, đang khóc. 

Khách sạn bao bọc quanh tôi. Tôi có thể cảm nhận nhịp đập và hơi ấm của nó. Trong mơ, tôi là một phần của khách sạn. 

 

Tôi tỉnh dậy, nhưng ở chốn nào? Tôi không chỉ thoáng nghĩ như thế, mà còn tự cất tiếng hỏi mình: “Ta đang ở đâu?” Như thể không hề biết rằng: Tôi đang ở đây. Trong cuộc đời tôi. Sự tồn tại của tôi là một đặc tính của thế giới này. Không phải vì tôi nhớ rõ ràng mình từng chấp thuận những sự kiện, hoàn cảnh, tình huống này mà trong đó coi là nhân vật chính. Đôi khi có một người đàn bà nằm cạnh tôi. Nhưng thường thì tôi ở một mình. Chỉ mình tôi với con đường cao tốc chạy qua bên cạnh căn hộ, cạnh giường có một chiếc ly (còn chừng năm milimet whiskey trong ấy) và tia nắng ban mai hiểm độc - không, phải là dửng dưng mới đúng - đầy bụi bặm. Thi thoảng trời đổ mưa. Nếu mưa, tôi sẽ nằm lì trên giường. Nếu trong ly vẫn còn whiskey, tôi sẽ nhấp một chút. Tôi sẽ ngắm những giọt nước mưa nhỏ xuống từ mái hiên, rồi tôi sẽ nghĩ về khách sạn Cá Heo. Có lẽ tôi sẽ vươn mình, khoan khoái và chậm rãi. Đủ để chắc chắn rằng tôi là chính mình chứ không phải một phần của cái gì đó. Nhưng, tôi sẽ nhớ lại cảm giác trong giấc mơ. Nhiều tới mức tôi cho là mình có thể vươn tay ra chạm vào nó, rồi toàn bộ cái gì đó bao gồm cả tôi sẽ dịch chuyển. Nếu căng tai ra, tôi sẽ nghe được chuỗi hành động chậm chạp và cẩn trọng đang diễn ra, như những giọt nước trong một bộ trò chơi nước chảy phức tạp và rắc rối, lần lượt, giọt nọ nối giọt kia. Tôi chăm chú lắng nghe. Đó là lúc tôi nghe thấy tiếng ai đó đang khóc, khe khẽ, đến mức gần như không thể nhận thấy. Một tiếng nức nở từ đâu đó trong bóng tối thăm thẳm. Ai đó đang rơi lệ vì tôi. 

 

Khách sạn Cá Heo là một khách sạn có thật. Nó nằm trong một khu bình dân ở Sapporo. Có lần, cách đây vài năm, tôi đã ở đó một tuần. Không, để tôi nhớ kỹ xem. Cách đây bao nhiêu năm rồi nhỉ? Bốn. Hay chính xác hơn là bốn năm rưỡi. Tôi lúc đó vẫn còn hai mấy tuổi. Tôi và người đàn bà mình đang sống chung khi ấy vào thuê phòng tại khách sạn Cá Heo. Nàng đã chọn nơi này. Chúng mình sẽ ở đây, đó là những gì nàng đã nói. Nếu không phải vì nàng, tôi ngờ rằng mình sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới chỗ đó. 

Đó là một khách sạn nhỏ xập xệ. Suốt thời gian ở đó, tôi không biết mình có thấy vị khách nào khác không. Đôi khi có vài nhân vật lượn lờ trong sảnh, nhưng ai mà biết họ có trọ ở đấy hay không? Bảng giữ chìa khóa phòng ở sau bàn lễ tân luôn trống vài chỗ, nên tôi đoán chắc cũng còn vài người khách khác. Dù không nhiều lắm. Ý tôi là một khi đã treo biển khách sạn trong một thành phố lớn, đăng ký số điện thoại vào danh mục kinh doanh, hiển nhiên không ai lại tiếp tục hoạt động mà không có khách. Nhưng dẫu đúng là ngoài chúng tôi ra còn có những khách trọ khác, thì họ quả là im ắng kinh khủng. Chúng tôi không nghe được âm thanh nào từ họ, cũng hiếm khi nhìn ra dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của họ - ngoại trừ vị trí những chiếc chìa khóa trên bảng giữ chìa khóa có chút thay đổi mỗi ngày. Phải chăng họ giống như những cái bóng nín thở trườn dọc theo tường hành lang? Đôi khi chúng tôi nghe thấy tiếng lách cách đều đều của thang máy, nhưng khi nó dừng lại, sự tĩnh mịch đến ngột ngạt lại ập xuống. 

Một khách sạn bí ẩn. 

Nó gợi cho tôi liên tưởng đến trạng thái ngưng trệ trong quá trình tiến hóa của sinh vật. Một sự thoái hóa gien. Một sự cố quái đản của tự nhiên đã khiến vài sinh vật lạc lối, không đường trở lại. Vector tiến hóa đã biến mất, thể sống mồ côi bị bỏ lại run rẩy đằng sau tấm màn lịch sử, tại Miền Đất Bị Thời Gian Lãng Quên. Và không phải lỗi tại ai. Không ai chịu trách nhiệm, không ai cứu vớt nó. 

Lẽ ra người ta không nên xây khách sạn này tại vị trí ấy. Đó là sai lầm đầu tiên, rồi mọi thứ tệ hại đi từ đó. Tựa như một cái nút áo bị gài sai, mọi cố gắng sửa chữa đều chỉ dẫn tới một sự hỗn độn tinh vi - nếu không nói là tao nhã - khác. Không thứ gì có vẻ đúng cả. Nhìn vào bất cứ thứ ở nơi đây là ta sẽ thấy mình đang nghiêng đầu đi vài độ. Không đến mức gây hại gì cho bản thân hay tới độ trông quá đỗi kỳ cục. Nhưng ai mà biết được? Có khi bạn lại quen với việc nhìn mọi thứ nghiêng nghiêng (nhưng nếu vậy, bạn sẽ không còn ngắm được thế giới mà không phải vẹo đầu đi nữa). 

Đó là khách sạn Cá Heo. Nó thiếu thốn sự bình thường. Hỗn độn chồng chất hỗn độn cho tới khi đạt tới độ bão hòa, thứ được định sẵn là trong một tương lai không-quá-xa xôi sẽ bị nuốt chửng vào dòng xoáy thời gian. Chỉ thoáng nhìn qua ai cũng nhận ra điều ấy. Một nơi đáng thương, ủ dột như một con chó đen ba chân sũng nước dưới Cơn mưa tháng Mười hai. Những khách sạn buồn tẻ có ở khắp nơi, chắc chắn rồi, nhưng Cá Heo thuộc một phân loại riêng của nó. Khách sạn Cá Heo thiểu não đúng theo nghĩa đen của từ ấy. Một khách sạn thảm thương. 

Nó cứ thầm lặng tồn tại, để rồi, ngoại trừ những kẻ khốn khổ và không hay nghi ngờ tình cờ lạc bước, không người nào lại sẵn lòng chọn nó làm nơi nghỉ chân. 

Khác xa so với cái tên của nó, (cái tên “Cá Heo” gợi tôi nghĩ đến một khách sạn nghỉ dưỡng có màu trắng tinh khiết như viên kẹo đường bên bờ biển Êgiê), nếu không có tấm biển treo bên ngoài, hẳn sẽ không ai biết tòa nhà là một khách sạn. Thậm chí dẫu có tấm biển hiệu và bằng đồng ngay lối ra vào, trông nó gần như không có nổi một phần giống khách sạn. Thực sự nó giống một viện bảo tàng hơn. Một kiểu bảo tàng kỳ quái nơi những kẻ có thói tò mò kỳ quái lẻn vào để ngắm nghía những vật trưng bày kỳ quái. 

Điều này cũng không xa sự thật là mấy. Khách sạn Cá Heo quả thực có một phần như viện bảo tàng vậy. Nhưng tôi muốn hỏi, liệu có ai muốn ở lại trong một khách sạn như thế? Ở trong một lữ quán kiêm hòm để thánh tích, các dãy hành lang tối đen của nó chất đầy những da và lông cừu đầy nấm đầy mọt, sách vở tài liệu mốc meo cùng những tấm ảnh ố màu? Trong một khách sạn mà các góc nhà đóng két những giấc mơ dang dở? 

Đồ đạc đã bạc màu, bàn ghế ọp ẹp, khóa cửa thì hỏng. Ván sàn sây sước, bóng đèn tối mờ; khớp nối của vòi nước chậu rửa mặt thì bị lệch, không thể ngăn nước rỉ xuống. Một bà phục vụ to béo nện đôi chân voi đi qua các hành lang, nặng nề ho lên những tiếng báo hiệu điềm chẳng lành. Luôn thường trực sau bàn lễ tân là gã chủ trang niên với đôi mắt ủ rũ và hai ngón tay bị cụt. Đó là kiểu người mà, thoạt nhìn bề ngoài đã thấy, mọi thứ của gã đều không ổn. Một mẫu vật thực sự - vừa được rớt khỏi chất dịch màu xanh nhàn nhạt sau khi bị ngâm cả đêm, với linh hồn hằn dấu bởi bất hạnh, thảm hại và thất bại. Người ta sẽ muốn đặt gã vào một hòm thủy tinh, khuân tới lớp nghiên cứu khoa học và giới thiệu: Chủng người Vô thành tựu. Hầu như bất cứ ai từng gặp gã đều ít nhiều cảm thấy ngao ngán. Không ít người sẽ nổi cáu (một số người thấy khó chịu khi thấy những hình mẫu thảm hại của loài người). Vậy ai sẽ ở trong cái khách sạn đó cơ chứ? 

Thế đấy. Chúng tôi đã ở đó. Chúng mình sẽ ở lại chỗ này, nàng nói. Rồi sau đó nàng biến mất. Nàng bước ra rồi đi mất. Người Cừu đã kể với tôi như vậy. Ngườiđànbàđãbỏđimộtmìnhchiềunay, Người Cừu nói. Bằng cách nào đó, Người Cừu đã biết. Ông ta biết rằng nàng sẽ ra đi. Giờ tôi cũng hiểu ra rồi. Mục đích của nàng là dẫn dụ tôi tới đây. Như thể đó là số mệnh của nàng. Như dòng Moldau chảy ra biển lớn. Như mưa rơi. 

Ngay khi tôi bắt đầu có những giấc mơ về khách sạn Cá Heo, nàng luôn là hình ảnh trước tiên xuất hiện trong đầu. Nàng đang tìm kiếm tôi. Nếu không, tại sao tôi cứ lặp đi lặp lại cùng một giấc mơ ấy? 

Nàng. Nàng tên là gì? Chúng tôi đã sống với nhau vài tháng nhưng tôi chưa bao giờ biết điều đó. Thực sự thì, tôi đã biết gì về nàng? Nàng là nhân viên trong một câu lạc bộ gái gọi cao cấp. Một câu lạc bộ chỉ dành cho hội viên; những kẻ có địa vị không-hoàn-hảo không được hoan nghênh. Như vậy, nàng là một con điếm hạng sang. Ngoài ra, nàng cũng kiêm vài việc khác nữa. Trong giờ hành chính nàng là người đọc mo rát bán thời gian cho một nhà xuất bản nhỏ; nàng cũng là một người mẫu hoa tai. Nói cách khác, nàng bận rộn liên miên. Lẽ tự nhiên, nàng không thể không có tên. Trên thực tế, tôi chắc nàng có tới cả đống tên. Đồng thời, nói trắng ra, nàng chẳng có cái tên nào. Bất cứ thứ gì nàng mang theo - vốn cũng gần như chẳng có gì - đều không ghi dấu một cái tên. Nàng không có thẻ tàu điện, không bằng lái, không cả thẻ tín dụng. Nàng có mang theo một cuốn sổ tay, nhưng trong ấy lại nguệch ngoạc đầy một thứ mật mã không tài nào đọc ra được. Dường như nàng không muốn bị nhận dạng. Gái điếm chắc cũng phải có tên, nhưng họ sống trong một thế giới không cần biết đến điều đó. 

Tôi hầu như không biết gì về nàng. Quê hương, tuổi thực, ngày sinh, học vấn và hoàn cảnh gia đình nàng - tất cả đều không biết. Bất chợt như nắng mưa, nàng đột nhiên ùa tới từ đâu đó để rồi bốc hơi đi mất, chỉ để lại những ký ức. 

Nhưng giờ đây, ký ức về nàng đang ào ạt trở lại trong một hiện thực xưa cũ giờ đây mới lại. Một hiện thực rõ ràng đến chừng cầm nắm được. Nàng đang gọi tôi qua cái nơi được biết đến với tên khách sạn Cá Heo ấy. Phải, nàng đang kiếm tìm tôi lần nữa. Và chỉ còn cách trở thành một phần của khách sạn Cá Heo, tôi mới có thể gặp lại nàng. Phải, không còn nghi ngờ gì nữa: chính nàng là người đã khóc vì tôi. 

Mải miết ngắm màn mưa, tôi ngẫm nghĩ về ý nghĩa của việc thuộc về và trở thành một phần của cái gì đó. Có ai đó khóc vì tôi. Từ một nơi xa, rất xa. Từ một nơi mà, xét cho cùng, là một giấc mơ. Dù tôi vươn xa bao nhiêu, dù tôi có chạy nhanh thế nào, tôi cũng không bao giờ đến được nơi ấy. 

Tại sao lại có người khóc vì tôi? 

 

Rõ ràng là nàng đang gọi tôi. Từ một nơi nào đó trong khách sạn Cá Heo. Và dường như ở đâu đấy trong chính tâm trí mình, tôi cũng đang tìm kiếm khách sạn Cá Heo. Để được hòa mình vào khung cảnh ấy, được trở thành một phần của cái chốn định mệnh kỳ quặc ấy. 

Quay trở lại khách sạn Cá Heo không phải là điều dễ dàng, vấn đề không đơn giản chỉ là gọi một cú điện thoại đặt phòng, lên máy bay rồi bay tới Sapporo, và nhiệm vụ hoàn thành. Vì cái khách sạn này, như tôi đã nói, cả về hoàn cảnh lẫn địa điểm, thực chất là một dạng thức tồn tại trá danh khách sạn. Trở lại khách sạn Cá Heo nghĩa là đối mặt với cái bóng của quá khứ. Chỉ riêng cái viễn cảnh ấy đã đáng chán làm sao. Suốt bốn năm qua, tôi đã làm tất cả để thoát khỏi cái bóng u ám và lạnh lẽo ấy. Trở lại khách sạn Cá Heo nghĩa là từ bỏ tất cả những gì tôi đã cố tình làm ngơ suốt bấy lâu nay. Chẳng phải những điều tôi đã làm được là gì đó vĩ đại lắm. Dù nhìn theo chiều hướng nào, nó cũng là một mớ các thứ tàm tạm có ích. Thế đấy, tôi đã cố hết sức rồi. Qua vài sắp xếp khéo léo, tôi đã xoay xở để tạo ra một mối liên kết với hiện thực, để xây dựng một cuộc đời mới dựa trên những giá trị tượng trưng ấy. Vậy giờ đây là lúc tôi phải từ bỏ nó sao? 

Nhưng toàn bộ sự việc đều bắt đầu từ nơi ấy. Đó là điều không thể phủ nhận. Vì vậy câu chuyện buộc phải bắt đầu lại từ nơi ấy. 

Tôi nằm lăn ra giường, dán mắt lên trần nhà, rồi thở dài. Ôi từ bỏ đi thôi, tôi nghĩ. Nhưng ý nghĩ bỏ cuộc ấy chẳng ăn thua gì. Nó nằm ngoài tầm với của ngươi, nhóc ạ. Ngươi có thể nghĩ ra đủ mọi cách, nhưng cũng không cưỡng lại được đâu. Câu chuyện đã được quyết định rồi. 

2 

 

 

Tôi được cử tới Hokkaido công tác. Như thường lệ, đây chẳng phải là chuyện gì thú vị lắm, nhưng tôi không ở vào cái thế được lựa chọn. Dù gì thì, những công việc đổ xuống đầu tôi nói chung chẳng khác nhau là mấy. Dù tốt xấu thế nào, càng xa rời quãng giữa bao nhiêu, chất lượng tương đối càng ít quan trọng bấy nhiêu. Giống như chiều dài bước sóng âm thanh vậy: vượt qua một giới hạn nhất định nào đó là ta khó lòng phân biệt được âm nào cao hơn trong hai âm cạnh nhau, đến cuối cùng chẳng những không thể phân biệt được chúng nữa, mà ta còn chẳng nghe thấy gì nữa. 

Nhiệm vụ lần này là viết một bài tên là “Ăn ngon ở Hakodate” cho một tờ tạp chí phụ nữ. Tôi và một phóng viên ảnh định ghé qua vài nhà hàng. Tôi sẽ viết bài còn anh ta cung cấp ảnh để hoàn thành một bài viết năm trang. Thế đấy, thì cũng phải có ai đó viết những thứ như vậy chứ. Cũng giống như nhặt rác hay xúc dọn tuyết thôi, đằng nào thì cũng phải có người làm. Dù ta có thích hay không cũng chẳng phải vấn đề - công việc là công việc. 

Tôi đã đóng góp cho xã hội theo kiểu này được ba năm rưỡi. Xúc dọn tuyết. Ai cũng biết cả, những đống tuyết văn hóa. 

Trước đó, vì vài sự cố bất đắc dĩ, tôi đã phải đóng cửa văn phòng mà tôi và một người bạn đang điều hành, và trong nửa năm sau đó, tôi hầu như không làm gì cả. Tôi không muốn làm bất cứ việc gì. Mùa thu năm trước, đủ mọi chuyện đã xảy đến với tôi. Tôi ly hôn. Một người bạn qua đời, vô cùng bí ẩn. Người tình bỏ rơi tôi, không nói một lời. Tôi gặp một gã kỳ lạ rồi chợt nhận ra mình bị cuốn vào những diễn biến khác thường. Và khi mọi chuyện chấm dứt, tôi bị vùi sâu trong một vùng tĩnh lặng sâu thẳm hơn bất cứ gì tôi từng trải qua. Bầu không khí vắng lặng đến tức thở lơ lửng trong căn hộ của tôi. Tôi tự nhốt mình suốt sáu tháng. Ban ngày, tôi không hề bước chân ra khỏi nhà, trừ phi để mua sắm vài nhu yếu phẩm tối thiểu. Tôi chỉ vào thành phố cùng với tia nắng đầu tiên của bình minh, lang thang trên những con đường vắng, rồi khi phố xá bắt đầu có bóng người, tôi lại trốn về nhà ngủ. 

Chạng vạng tối, tôi thức dậy, kiếm chút gì bỏ vào bụng và cho mèo ăn. Đoạn tôi ngồi trên sàn nhà, cẩn thận điểm lại mọi việc đã xảy đến với mình và cố gắng hiểu chúng. Sắp xếp lại trật tự các sự kiện, liệt kê hết những khả năng có thể xảy ra, nghĩ lại xem những việc mình đã làm là đúng hay sai. Cứ như vậy cho tôi lúc bình minh, tôi lại ra khỏi nhà và lang thang trên phố. 

Đó là lịch trình thường ngày của tôi trong vòng nửa năm. Từ tháng Một tới tháng Sáu năm 1979. Tôi không đọc lấy một cuốn sách. Tôi không giở một tờ báo. Tôi không xem ti vi, không nghe đài. Không gặp một ai, không chuyện trò với một người nào. Thậm chí tôi hầu như không uống rượu; cũng chẳng có tâm trạng nhậu nhẹt. Tôi không hề biết thế giới bên ngoài đang diễn ra những gì, ai trở nên nổi tiếng, ai chết đi, không gì hết. Không phải là tôi ngoan cố không muốn tiếp nhận thông tin, chỉ là tôi không có ham muốn biết bất cứ điều gì. Dù vậy, tôi hiểu rằng mọi việc vẫn đang tiếp diễn. Thế giới vẫn không ngừng chuyển động. Tôi cảm nhận được điều ấy trên chính da mình, ngay cả khi đang đơn độc một mình trong căn hộ. Dẫu thế nó cũng chẳng khiến tôi thấy mảy may hứng thú. Nó giống như một cơn gió nhẹ im lìm lướt qua tôi vậy. 

Ngồi bệt dưới sàn nhà, tôi tua đi tua lại quá khứ trong đầu mình. Thật buồn cười, đó là tất cả những gì tôi đã làm, ngày này qua ngày khác trong suốt nửa năm, và tôi không hề thấy chán. Những điều tôi đã trải chừng như thật lớn, với vô số mặt cắt. Dẫu vậy chúng rất chân thực, đó là lý do mà những trải nghiệm cứ hiện ra sừng sững trước mặt tôi, như một đài kỷ niệm tỏa sáng trong đêm. Và đúng là thế, đó là một đài kỷ niệm cho tôi. Tôi xem xét kỹ càng từng sự kiện từ mọi góc độ. Tôi đã bị tổn hại, khá tồi tệ, tôi nghĩ vậy. Không phải một sự tổn hại vặt vãnh. Máu đã chảy trong lặng lẽ. Sau một thời gian, vài nỗi đau dần tan biến, vài nỗi đau khác lại hiện ra. Nhưng dù sao, nửa năm tự giam mình trong nhà của tôi không phải là để hồi sức. Cũng không phải vì chứng tự kỷ từ chối thế giới bên ngoài. Đơn giản là tôi cần thời gian để có thể trở lại cuộc sống bình thường. 

Khi trở lại với cuộc sống bình thường, tôi cố gắng không nghĩ tới hướng đi của mình. Đó hoàn toàn là một vấn đề khác, để dành cân nhắc vào một ngày khác. Giờ việc chính là phải lấy lại sự cân bằng cho bản thân đã. 

Tôi hầu như không nói chuyện với con mèo. 

Chuông điện thoại reo. Tôi mặc cho nó kêu. 

Nếu có người gõ cửa, tôi không ở nhà. 

Thi thoảng có mấy bức thư. Vài bức là từ đối tác trước đây của tôi, anh không biết tôi đang ở đâu hay đang làm gì và thấy lo lắng. Anh ngỏ ý hỏi xem có thể giúp gì cho tôi? Công việc mới của anh đang rất suôn sẻ, vài người quen cũ cũng có hỏi thăm tôi. 

Vợ cũ cũng viết, bảo rằng có vài chuyện cần phải quan tâm, những chuyện rất thực tế. Rồi cô ta kể mình sắp tái hôn - với ai đó mà tôi không quen, và có lẽ là chẳng bao giờ quen. Điều này có nghĩa là cô ta đã chia tay gã bạn của tôi, cái gã mà cô ta đã cặp kè hồi chúng tôi ly dị. Chuyện họ bỏ nhau chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Gã ấy chẳng phải một tay guitar nhạc jazz tài giỏi, và cũng chẳng phải loại người tuyệt vời gì cho lắm. Chẳng thể hiểu nổi cô ta thấy gì ở gã nữa - nhưng không phải là việc của tôi, nhỉ? Còn về phần tôi, cô ta nói không hề lo lắng. Cô ta chắc rằng tôi sẽ ổn dẫu có chọn làm gì đi nữa. Thay vào đó, cô ta dành những lo lắng đó sang cho những người sau này có quan hệ với tôi. 

Tôi đọc những lá thư vài lần rồi cất đi. 

Và cứ thế, vài tháng đã trôi qua. 

Tiền không phải là vấn đề. Tôi đã để dành đủ để sống, và tôi cũng chẳng bận tâm điều gì sẽ xảy ra sau đó. Mùa đông đã trôi qua. 

Và mùa xuân lại đến. Hương gió đổi thay. Ngay cả màn đêm cũng trở nên khác hẳn. 

Cuối tháng Năm, Kipper, con mèo của tôi chết. Bất thình lình, không hề báo trước. Một buổi sáng, tôi thức dậy thì thấy nó cuộn tròn trên sàn bếp, đã chết tự khi nào. Chắc hẳn bản thân nó cũng không biết điều xảy đến với mình. Cơ thể nó lạnh ngắt cứng đờ, giống như món gà quay từ hôm qua, bộ lông không còn óng mượt. Khó có thể nói rằng nó đã sống hạnh phúc. Nó chưa bao giờ thực sự được ai yêu thương, cũng dường như chưa hề thực sự yêu thương ai. Trong mắt nó luôn có vẻ bứt rứt không yên, như thể muốn nói, Giờ thì sao? Thường thì một con mèo không có ánh mắt như thế. Nhưng dù sao đi nữa, nó đã chết rồi. Không có gì hơn. Có lẽ đó là điều dễ chịu nhất ở cái chết. 

Tôi bọc xác nó vào một cái túi của siêu thị Seiyu, đặt lên ghế sau xe ô tô, rồi lái tới cửa hàng vật dụng gia đình và mua một cái xẻng. Tôi rời đường cao tốc rẽ vào một đoạn khá dài, đi lên đồi và tìm một lùm cây thích hợp. Cách con đường một đoạn vừa phải, tôi đào một cái hố sâu chừng một met, rồi tôi đặt Kipper trong chiếc túi yên nghỉ ở đấy. Sau đó tôi xúc đất đổ lên người nó. Xin lỗi mày, tôi nói với nó, mọi việc phải như thế. Lũ chim hót không ngừng khi tôi chôn Kipper. Nghe như tiếng sáo rít ở âm vực cao nhất. 

Sau khi lấp đầy cái hố, tôi ném xẻng vào cốp xe, rồi quay lại đường cao tốc. Tôi vừa nghe radio vừa lái xe về Tokyo. 

Đúng lúc ấy phát thanh viên bật một bài trong đó Ray Charles đang than vãn về chuyện sinh ra để mất mát... và giờ đây anh mất em. 

Tôi những muốn khóc. Đôi khi một việc nhỏ có thể gợi ra nhiều cảm xúc. Tôi tắt radio và rẽ vào một khu dịch vụ. Trước tiên, tôi rửa sạch đất ở tay, rồi vào nhà hàng. Tôi chỉ cố nuốt được một phần ba chiếc sandwich, nhưng lại uống hết hai ly cà phê. 

Bây giờ Kipper đang làm gì nhỉ? Tôi tự hỏi. Trong bóng tối dưới đó. Tiếng đất phủ lên chiếc túi siêu thị Seiyu cứ lạo xạo trong tâm trí tôi. Mọi việc phải diễn ra như thế, anh bạn ạ, tao rồi cũng sẽ như mày thôi. 

Tôi ngồi nhìn chăm chăm vào miếng sandwich ăn dở suốt cả giờ đồng hồ. Cho đến khi một cô hầu bàn mặc đồng phục tím bước lại lo lắng hỏi xem liệu cô đã dọn bàn được chưa. 

Mọi việc phải thế, tôi nghĩ. Cho nên bây giờ, trở lại với xã hội đi thôi. 

3 

 

 

Không cần phải mất quá nhiều công sức thì mới tìm được việc làm trong cái xã hội tư bản phát triển cao như một cái tổ kiến khổng lồ này. Dĩ nhiên, miễn là anh không đòi hỏi những thứ không thể. 

Hồi còn điều hành văn phòng riêng, tôi phụ trách phần biên tập và viết lách, nên cũng quen biết vài tay kỳ cựu trong ngành. Thế nên khi bắt đầu hành nghề tự do, tôi không cần phải trang bị lại quá nhiều. Dù gì thì tôi cũng chẳng cần quá nhiều để sống. 

Tôi lấy sổ điện thoại ra và gọi tới vài người. Tôi dò hỏi liệu có công việc nào không. Tôi nói mình đang nghỉ ngơi nhưng cũng đã sẵn sàng làm việc trở lại. Gần như ngay lập tức, công việc đổ dồn tới. Dẫu vậy, đều không phải những việc thú vị cho lắm, chủ yếu là viết bài lấp chỗ trống cho các bản tin PR và các tập tờ rơi quảng cáo cho công ty. Nói theo kiểu bảo thủ, tôi thừa nhận một nửa những thứ mình viết ra là vô nghĩa, chẳng có tác dụng với bất kỳ ai. Một sự phí phạm giấy mực. Nhưng tôi vẫn làm vậy, rất máy móc, không suy nghĩ gì. Ban đầu, khối lượng công việc không nhiều lắm. Có lẽ chỉ tốn vài giờ một ngày. Thời gian còn lại, tôi đi dạo hoặc xem phim. Tôi xem rất nhiều phim. Trong ba tháng, tôi đã có một khoảng thời gian tương đối dễ chịu. Tôi dần nối lại các mối quan hệ. 

Rồi, đầu mùa thu, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Đơn đặt hàng tăng đột biến. Điện thoại kêu không ngừng, hòm thư của tôi đầy ụ. Tôi gặp gỡ trao đổi công việc với nhiều người và ăn trưa cùng họ. Họ hứa sẽ giao cho tôi nhiều việc hơn. 

 

Lý do thật đơn giản. Tôi không bao giờ kén chọn công việc. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, luôn hoàn thành mọi thứ đúng hạn, không bao giờ phàn nàn, viết lách rõ ràng. Và tôi rất chu đáo. Chỗ người khác thiếu nhiệt tình, tôi lại viết rất nhiệt tình. Tôi không bao giờ làm ăn gian dối, kể cả khi nhuận bút thấp. Nếu hai rưỡi sáng tôi nhận được cuộc gọi yêu cầu đến sáu giờ sáng phải nộp hai mươi trang bài viết (ví dụ như về ưu điểm của đồng hồ cơ, sự hấp dẫn của phụ nữ tầm tuổi bốn mươi hoặc những địa điểm đẹp nhất ở Helsinki, nơi tôi chưa từng đặt chân đến), tôi sẽ làm xong trước năm giờ ba mươi. Và nếu họ gọi điện yêu cầu sửa lại, tôi sẽ hoàn thành trước sáu giờ. Tôi dám cá mình rất có uy tín. 

Cũng giống như là xúc dọn tuyết vậy. 

Cứ để tuyết rơi rồi tôi sẽ chỉ cho bạn vài chiêu dọn đường hiệu quả. 

Không một chút háo danh, chẳng mảy may kỳ vọng, tất cả những gì tôi quan tâm là làm việc có hệ thống, xong cái này rồi làm cái khác. Đôi khi tôi tự hỏi không biết điều này có phải là nguyên nhân suy sụp của cuộc đời mình? Sau khi đã tiêu tốn bao nhiêu giấy mực, tôi là ai mà có quyền phàn nàn về sự lãng phí? Xét cho cùng, chúng ta đang sống trong một xã hội tư bản bậc cao. Lãng phí chính là bản chất, là mỹ đức lớn nhất. Các chính trị gia gọi đây là “nâng cao chất lượng tiêu dùng nội địa.” Tôi thì gọi đó là hoang phí vô nghĩa. Một sự khác biệt về quan điểm. Dẫu vậy nó cũng chẳng làm thay đổi cách chúng ta sống. Nếu không thích, tôi có thể chuyển tới Bangladesh hoặc Sudan. 

Bản thân tôi không phải người hào hứng với chuyện sống tại Bangladesh hay Sudan. 

Vì thế tôi tiếp tục làm việc. 


Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27
Phan_28
Phan_29 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .